Bạn đã bao giờ phải rơi vào tình huống người miền Nam và miền Bắc cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cho ngày Tết chưa nhỉ?
Đây chắc chắn là một khoảnh khắc thực sự bối rối vì dù là người cùng chung một nước nhưng văn hóa Tết ở hai miền lại có rất nhiều điểm khác biệt. Nếu bạn vẫn còn đang ngạc nhiên và thắc mắc, hãy để Mamoon giúp bạn thông qua bài viết sau đây nhé!
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả vốn là vật phẩm không thể thiếu trên bàn cúng của tổ tiên. Ngũ trong ngũ hành, ứng với mệnh của người. 5 là con số tượng trưng cho sự sinh sôi, hay còn tượng trưng cho ngũ phúc, gồm: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Quả cũng là biểu tượng của sự sung túc, hạt bên trong đại diện cho sự sinh sôi và tái sinh vô tận của sự sống.
Miền Nam thường chưng 5 loại quả là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, đọc trại ra thành “Cầu sung vừa đủ xài”, mang ý hy vọng một năm mới có đầy đủ sự sung túc cho gia đình.
Cũng chính vì chú trọng vào tên gọi nên miền Nam kỵ cúng các loại như chuối (đọc trại thành chúi xuống, sự nghiệp không đi lên được), hay lê (làm ăn lê lết, chậm chạp), táo (còn gọi là bom, dễ đổ bể), cam, quýt (quýt làm cam chịu).
Riêng miền Bắc lại chỉ thích chọn những loại quả vừa có tên hay, vừa trông bắt mắt và sang trọng. Vì vậy mà khi nào trên mâm cũng phải có chuối, bưởi, quất, rồi mỗi nhà lại tùy ý thích mà chọn thêm những quả khác, như thanh long Phật thủ hoặc hồng.
Phật thủ hay Dưa hấu
Ngoài mâm ngũ quả ra, người ta còn dành riêng một vị trí đặc biệt để chưng loại trái cây khác trên bàn thờ.
Với người miền Nam thì đó chính là dưa hấu. Đây là loại quả gắn liền với sự tích Mai An Tiêm nên người ta vẫn thường chưng nó để thể hiện tấm lòng biết ơn trời. Quả dưa hấu tròn đầy còn thể hiện sự viên mãn và màu đỏ mang lại may mắn. Vị dưa hấu lại ngọt và thanh, rất thích hợp làm món tráng miệng trong bữa cơm ngày Tết.
Riêng với miền Bắc, cứ Tết đến thì rất dễ bắt gặp quả Phật thủ. Quả có hình dáng trông như bàn tay của Phật đang che chở cho con người. Người miền Bắc cho rằng đây là loại quả có thể xua đuổi tà ma. Loại quả này được dùng để cúng bái thần linh, tổ tiên, thường mang được chưng với ý nghĩa về mặt tinh thần hơn là dùng để ăn vì nó có vị chát và đắng.
Hoa Tết
Thưởng hoa vốn là thú vui tao nhã của người Việt Nam từ xưa đến nay. Trong tất cả các loại thì mai và đào là được mong chờ nhất mỗi độ xuân về.
Mai là loại cây ưa ẩm và ánh sáng, nó phù hợp sống ở nhiệt độ như của miền Nam và Trung ở những ngày gần Tết. Trong văn hóa, mai là hình ảnh ước lệ cho khí chất thanh cao và mạnh mẽ của người quân tử. Cánh hoa vàng rực rỡ hướng đến hạnh phúc và sự sung túc.
Trong khi đó, đào là loại cây ưa khí lạnh nên thường phổ biến ở miền Bắc. Trong tín ngưỡng dân gian, hoa đào có tính dương, mang đến vượng khí và xua tránh tà ma.
Tuy loại hoa Tết đặc trưng của hai miền không giống nhau, song cứ đến gần Tết là người ở cả hai miền miền Bắc và Nam đều thi nhau nhặt lá mai, lá đào.
Bánh chưng hay bánh tét
Bánh chưng ở miền Bắc gắn liền với truyền thuyết “Bánh chưng bánh dày” trong văn hóa dân gian Việt Nam. Qua đó thể hiện thông điệp của người nông dân rằng cho dù đi ngược về xuôi thì lúa gạo vẫn là đặc sản tinh túy, cốt lõi nhất.
Bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Nhân bánh gồm nếp, đậu xanh và thịt mỡ tượng trưng cho mong ước đất đai màu mỡ, được gói lại bằng lá dong.
Bánh tét trong Nam được xem là bắt nguồn từ sự giao lưu của văn hóa Việt - Chăm. Ban đầu gọi là bánh “Tết”, sau này bị đọc trại ra thành bánh “tét”.
Cũng như bánh chưng, bánh tét có thành phần chính từ những nguyên liệu giản dị, quen thuộc như gạo nếp, đường cát, đậu xanh, dừa khô, thường có hai nhân là chuối và đậu xanh. Bánh tét được gói thành đòn bằng lá chuối vì thời tiết của miền Nam sẽ dễ khiến bánh bị mốc ở các góc nếu gói hình vuông như miền Bắc.
Mâm cơm ngày Tết
Tuy mâm cơm ngày Tết ở cả hai miền đều ngày càng đa dạng hơn theo thời gian, nhưng vẫn có một số món đặc trưng không thể thiếu đi trên bàn ăn.
Ở miền Nam, nhà nhà đều phải có nồi trứng kho thịt. Quả trứng hình tròn và miếng thịt được cắt vuông đại diện cho trời và đất. Món ăn kèm là củ kiệu có vị chua nhẹ và ngọt, giúp món ăn đỡ ngấy và tiêu hóa tốt hơn. Bên cạnh đó là món canh khổ qua, ý muốn những khổ nhọc, khó khăn trong năm cũ đều qua đi để nhường lại khởi đầu suôn sẻ cho năm mới.
Người miền Bắc lại chú trọng vào sự hài hòa của gia vị nên mâm cơm Tết sẽ luôn có những món quen thuộc như giò lụa giò thủ, gà luộc, canh măng, dưa hành. Gà phải được nấu nguyên con và sau đó buộc thành cánh tiên. Vì thời tiết ở đây những ngày Tết khá lạnh nên món canh măng sẽ giúp giữ ấm cho cơ thể.
Đưa ông Táo
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp thì khắp cả nước đã bắt đầu sắm sửa, cúng bái để đưa ông Táo về trời. Nhưng ở miền Bắc đặc biệt có tục đưa ông Táo bằng cá chép.
Mọi người thường mang cá chép đi phóng sinh vào giờ ngọ. Ở nhà, họ sẽ đặt 1 hoặc 3 con vào chậu nước nhỏ bên cạnh bàn ông Táo. Ngày nay một số người còn dùng cá giấy để thay thế.
Theo đó, “cá chép vượt vũ môn hóa rồng” là câu chuyện quen thuộc trong tiềm thức dân gian Việt Nam. Người ta thường cho rằng đây là loài vật linh thiêng, tượng trưng cho sự mạnh mẽ, kiên trì và mang đến nhiều tài lộc, phước lành.
Mặc dù cùng một nước và cùng chung niềm vui trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, nhưng giữa miền Bắc và miền Nam lại tồn tại nhiều sự khác biệt thú vị trong cách ăn mừng, các nghi lễ và biểu tượng văn hóa. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ tạo nên sự đa dạng cho ngày Tết và cùng hướng về những giá trị chung như tôn vinh tổ tiên, tình cảm gia đình và sự đoàn kết trong cộng đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
3. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thời Hùng Vương qua hình tượng Lang Liêu và truyện 4. Bánh Chưng Bánh Dày, Trịnh Thế Truyền, Nguyễn Thị Huyền, Hà Thị Lịch
6. Thờ cúng ông Táo ở Việt Nam qua nghiên cứu tư liệu và điều tra so sánh, Nabeta Naoko
Cùng một số tài liệu khác.
Comments