
Hồi còn nhỏ, ba mẹ mình hay những người lớn thường cho rằng việc học mới là quan trọng hàng đầu, ba cái trò tô vẽ linh tinh chơi một chút là được rồi, mà không chơi thì càng tốt, đỡ phí phạm thời gian. Nhiều khi lo ngồi tưởng tượng mơ mộng đâu đâu khéo lại còn không bình thường và tập trung học hành được nữa.
Nhưng bạn có biết ông bác Albert Einstein từng có một câu nói, rằng:
“Trí tưởng tượng thì quan trọng hơn kiến thức.”
Chẹp, nếu như mình mới là người tự phán ra câu này chứ không phải một bậc vĩ nhân như Albert Einstein thì chắc là sẽ chẳng có ai buồn quan tâm, hoặc cũng sẽ có người hét lại vào mặt mình là “Nói nhăng nói cuội gì dzậy hả???”
Ờm, thực ra là thế này, ở câu nói trên, Einstein không hề có ý xem thường kiến thức. Nhưng nhiều khi chúng ta vẫn còn “thần tượng” nó quá, ai cũng thuộc làu làu câu “Kiến thức là sức mạnh” mà quên rằng nó cũng có giới hạn, bởi vì nó bị phụ thuộc vào những kinh nghiệm, những lý thuyết và công thức có sẵn. Trong cuộc sống vẫn có rất nhiều vấn đề khác chưa tìm ra cách giải quyết và kiến thức sẽ không đủ để các “em bé” có thể xử lí.
Nhưng mà trí tưởng tượng thì lại có thể đó. Nó có thể giúp chúng ta cảm nhận những gì đang xảy ra một cách bao quát hơn, linh hoạt hơn, từ đó hình dung đến những khả năng khác nhau, vượt ra ngoài những gì chúng ta vẫn biết và khiến chúng ta có những cách giải quyết vấn đề vô cùng sáng tạo. Và trí tưởng tượng thì không loại trừ kiến thức, ngược lại còn “buff” kiến thức lên tầm đỉnh hơn nữa cơ.
Thử nghĩ, nếu người ta chưa từng tưởng tượng đến cảnh hai người ở cách xa nhau đến hàng nghìn ki-lô-mét vẫn có thể nhìn thấy mặt và nghe giọng nhau, thì làm sao chúng ta có được chiếc điện thoại và các ứng dụng tân tiến như hiện nay?
Vậy những hoạt động nghệ thuật như vẽ vời, tô màu có thể khiến trẻ em phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo như thế nào?
Các bạn có còn nhớ khi còn nhỏ, chúng ta có thể tô con chó màu hồng, vẽ hai cái nơ cho nó, một ngôi nhà ở trên cây hay ở dưới đáy biển, hoặc những thứ kì lạ hơn một chút hông? Tại sao lại thế? Đó là vì khi còn bé, chúng ta có xu hướng vẽ hoặc tô những gì mình thích thôi. Chuyện đó khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ vì được giải phóng cảm xúc, cũng có thể biến một tòa lâu đài đáng mơ ước có màu hồng, chứa đầy kẹo dẻo trở nên có thật trên mặt giấy.
Một điều tuyệt vời khi còn nhỏ, là tác phẩm nghệ thuật của chúng ta sẽ không bị phán xét là đúng hay sai (thực ra là người lớn đâu có thèm để ý đâu mà phán xét). Thế nên trong lúc mà các “em bé” pha trộn các màu sắc, lựa chọn để phối hợp như thế nào, chỗ đậm chỗ nhạt ra sao… đều có vô vàn cách khác nhau với sự tự do gần như vô hạn. Lúc này thì mỗi đứa trẻ thực sự là một người nghệ sĩ chân chính và không hề có toan tính gì khác trong tác phẩm, ngoại trừ việc tập trung thể hiện cảm xúc và thế giới tưởng của tượng riêng mình.
Nếu chúng ta cứ cố tình bảo các em phải tô quả táo màu đỏ, chiếc lá màu xanh, rằng như thế mới đúng, chúng ta có thể đã vô tình phá vỡ sự sáng tạo của trẻ. Lúc này thì các em sẽ luôn nhìn mọi thứ trong khuôn khổ mà chúng ta định sẵn và nghĩ rằng mình không thể vượt ra ngoài được. Vậy nên, hãy để nghệ thuật là không gian để các em được bay bổng nhé, hãy giữ cho đó là một nơi mà thế giới có thể là bất cứ điều gì.
Comments