Yay!
Xin chào, tôi là May - một người thợ đánh máy của Mamoon Vietnam.
Còn đây là bài viết thuộc chuỗi “Sống Chậm - Sống Đậm", chia sẻ tất tần tật thông tin về lối sống chậm.
Mọi thứ bắt đầu từ một buổi sáng rất bình thường như bao buổi sáng bình thường khác, tôi thức giấc với dòng mail thông báo “Sếp đã thêm bạn vào một nhiệm vụ mới trên Asana - Bài viết về chủ đề Lối Sống Chậm cho website”.
Deadline mỗi bài viết thường là 2 - 3 hôm. Vậy nên mặc dù viết về sống chậm, tôi lại phải ngồi xem mấy video Youtube với tốc độ x2 và lướt thật nhanh trên một số trang sách để còn qua nhiệm vụ khác.
Nhưng cái món này càng xem càng cuốn, mặt trời đã lặn dần mà tôi vẫn chưa kịp lên cái outline nào cho sếp cả. Biết là sắp toang nên trong 36 kế thì tôi chọn kế nhắn tin năn nỉ xin lùi deadline với một lý do khá là văn vở nhưng lại rất đúng tinh thần “sống chậm”:
“Sếp ơi, cho em chậm chút để viết cái bài này chất lượng hơn nhá.”
“Oke em.”
Tuyệt vời, rất quyết đoán!
Kết cục là cái bài này tôi ngâm đến giờ cũng được 3 - 4 tháng rồi.
Khi tôi nói là viết về sống chậm, cá là sẽ có nhiều người hình dung đến kiểu người đi đứng chậm rãi, ít nói, suy nghĩ cẩn thận và tận hưởng những điều nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày, chấp nhận lùi về phía sau, không bon chen hối hả, không tranh đua với đời.
Thế nhưng mà không phải. Vốn dĩ cái tên gọi của lối sống này đã rất dễ khiến mọi người hiểu lầm. Để giải thích thì tôi sẽ vẽ ra một ví dụ đơn giản:
Theo kinh nghiệm nấu ăn được tổ tiên mách bảo, thời gian để luộc một quả trứng chín hoàn toàn là 10 - 12 phút. Đây gọi là tốc độ bình thường. Nếu chỉ để đến tầm khoảng 8 phút thì chúng ta sẽ ra được quả lòng đào. Còn sớm hơn nữa thì ra cái gì gì đó tôi chưa thử nên không rõ.
Vậy nên nếu dự định của chúng ta là luộc một quả trứng chín hoàn toàn thì phải canh đúng thời gian của nó là 10 - 12 phút.
Lúc này, tự dưng có một ai đó ở bên cạnh đang định nấu một quả trứng lòng đào. Đến phút thứ 8 họ đã vớt trứng ra, xong quay sang thấy mình vẫn còn đang đợi. Họ có thể nghĩ “Sao lại chậm thế nhỉ?”
Yay đúng là chúng ta đang là người bị chậm so với người kia. Nhưng tốc độ này là phù hợp với dự định của chúng ta. Nếu cũng vội như họ, chúng ta sẽ nhận về thứ mà mình không cần.
Ở đây có một từ khóa rất quan trọng, đó là tốc độ phù hợp.
Thế giới đang có rất nhiều thứ diễn ra quá nhanh và vượt qua khỏi tốc độ phù hợp của nó. Ai cũng muốn nhanh hơn, nhanh hơn nữa vì nghĩ như thế là tối ưu và hiệu quả, nhưng lại không để ý đến các kết quả nhận về lại trái ngược hoàn toàn.
Đây là lý do mà trào lưu sống chậm đã ra đời, không phải để kêu gọi mọi người trì trệ thêm công việc, chỉ nên lo tận hưởng, mà là để cảnh báo rằng tốc độ này đang quá nhanh so với mức bình thường, cần phải chậm lại.
Tôi tính tự ghi ra khái niệm luôn nhưng thôi phải trích lại lời của cái ông Nhà sáng lập Học viện toàn cầu về Sự Chậm - Geir Berthelsen cho nó uy tín hơn một tẹo:
“Đó là một cuộc cách mạng văn hóa chống lại quan niệm cho rằng nhanh hơn thì luôn tốt hơn. Triết lý Chậm không có nghĩa là làm mọi thứ với tốc độ như rùa bò. Đó là về việc cố gắng làm mọi thứ với tốc độ phù hợp. Thưởng thức từng khoảnh khắc thay vì chỉ đếm chúng. Làm mọi thứ tốt nhất có thể, thay vì cố gắng thật nhanh. Đó là về việc ưu tiên chất lượng hơn số lượng trong mọi thứ từ công việc đến thức ăn và cả việc nuôi dạy con cái.”
Đọc đến đây chắc chắn mọi người sẽ nảy ra một suy nghĩ: Thế làm sao để biết được tốc độ của mình có đang phù hợp hay không?
Bài tiếp theo sẽ có một phác thảo chung cho câu hỏi này nhé.
Mình nghĩ…
Sống nhanh hay chậm mình có thể lựa chọn nhưng ai cũng có 24 giờ/ngày thì không thể xin thêm. Vậy nên, quan trọng nhất là trân trọng từng thời khắc!