top of page
Writer's pictureDzung Duong

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC SỰ TẬP TRUNG

Updated: Dec 12, 2023

Bạn đã bao giờ loay hoay suốt nhiều giờ để chỉ dẫn con trẻ bài tập về nhà, nhưng rồi lại trở nên mất kiên nhẫn và bỏ cuộc vì con cứ liên tục sao nhãng? Dường như bất kể điều gì đang xảy ra xung quanh cũng dễ dàng cướp lấy sự chú ý của con.


Đến đây thì bạn bắt đầu hoang mang, tự hỏi nếu cứ thế này thì con mình sẽ phát triển việc học tập như thế nào. Liệu con có khả năng tự ổn định sự tập trung khi lớn dần lên, hay cần phải có các biện pháp can thiệp kịp thời?


Hãy cùng với team Mamoon thử tìm kiếm câu trả lời phù hợp thông qua bài viết sau nhé.




1. Tại sao chúng ta cần quan tâm đến sự tập trung ở trẻ?

Nghiên cứu của tác giả Qaulan Raniyah và Amir Syamsudin trong Kỷ yếu ICSIE 2018 có đề cập đến việc một số nhà thần kinh học chỉ ra rằng các chức năng não bộ và trí tuệ ở con người phát triển đến 80% cho đến khi 8 tuổi và 20% sau khi 18 tuổi. Đặc biệt trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 6 được xem là giai đoạn hoàng kim (Golden Age). Chính vì vậy, ở giai đoạn này, việc tạo nên các kích thích để con trẻ có thể phát triển ở mọi khía cạnh là vô cùng cần thiết. Để đạt được điều này, khả năng tập trung là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy và tối ưu sự tăng trưởng của trẻ.

2. Mất tập trung là như thế nào?

Hiểu đơn giản, mất tập trung chỉ vấn đề con trẻ không dành toàn bộ sự chú ý đến các thông tin để hoàn thành một hoạt động hay một nhiệm vụ nào đó. Con dễ dàng quan tâm đến những tác động đến từ xung quanh và bỏ dở hoạt động hoặc công việc mà chúng đang làm.


3. Khi nào thì ba mẹ nên “rục rịch” để ý?

Khi các bạn nhỏ có một số dấu hiệu sau:

  • Con không hoàn thành các nhiệm vụ như làm bài tập về nhà mà mải mê chơi hay làm những việc linh tinh khác.

  • Con thường xuyên quên những chuyện hay những điều ba mẹ vừa mới dặn dò trong thời gian ngắn.

  • Dễ bị sao nhãng với bất kì chi tiết nhỏ nhặt nào như tiếng còi xe, tiếng chim kêu,…

  • Con hay bồn chồn và di chuyển liên tục, hiếm khi trong tư thế ổn định.

  • Có thể vô tình làm những điều gây ảnh hưởng đến người khác như quấy nhiễu, hành động quá khích, xâm phạm đến bạn bè.

  • Con thường không suy nghĩ trước khi đưa ra hành động.

4. Vì sao thời nay trẻ con lại hay mất tập trung?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự mất tập trung ở trẻ. Ở mỗi nguyên nhân, chúng ta lại có cách giải quyết khác nhau. Do đó, các ba mẹ cần phải thực sự quan sát và “bắt trúng mạch” của con thì mới có thể tìm đến các phương pháp phù hợp.


Về tâm lý của trẻ:

Đối với hầu hết các bạn nhỏ trong độ tuổi từ 0 - 6, việc luôn giữ mình trong một tư thế ổn định, yên lặng và chăm chú quan sát một đối tượng trong thời gian dài là một nhiệm vụ khó khăn, gây mệt mỏi và nhàm chán.

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng

Trẻ có các chế độ ăn uống chưa lành mạnh và vận động phù hợp có thể dẫn đến sự hiếu động. Bên cạnh đó, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc có thể gây ra một số vấn đề rối loạn điều hòa dẫn đến sự kém tập trung.

Chấn thương hoặc lo lắng

Một số trẻ em có tiền sử bị chấn thương hoặc thường xuyên gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống gây lo lắng, căng thẳng. Những điều này cũng có thể tác động lên khả năng tập trung của con.

Các thiết bị công nghệ

Công nghệ tiên tiến ra đời và phát triển một cách nhanh chóng đến nỗi có rất nhiều trẻ em hiện nay đã sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng từ rất sớm. Các loại phương tiện này dễ dàng thu hút trẻ bởi chúng có rất nhiều ứng dụng giải trí, sinh động, hấp dẫn.


Cũng bởi chính sự tiện lợi này mà các bậc phụ huynh thường có tâm lý sử dụng các thiết bị công nghệ trên để thay thế cho việc quản lý và thời gian chơi đùa với con trẻ. Từ đây, chúng ta đã vô tình tạo nên các thế hệ “Ipad baby” khiến ai ai trông thấy cũng “xuýt xoa” như hiện nay.


Tuy nhiên, các thiết bị công nghệ lại có những khuyết điểm rất lớn gây ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ. Cụ thể là chúng đưa ra cùng lúc quá nhiều lựa chọn hấp dẫn, nhiều video có thời lượng quá ngắn khiến trẻ em liên tục chuyển sang các nội dung khác nhau, gây khó tập trung trong thời gian dài.


Tính chất của nhiệm vụ

Một số nhiệm vụ có nhiều yêu cầu khó khăn vượt ra ngoài khả năng giải quyết của con cũng gây nên sự mất tập trung. Bên cạnh đó, có một số nhiệm vụ không cho trẻ cảm nhận được sự gần gũi liên quan trực tiếp đến những gì xung quanh, không tạo ra sự hứng thú, tò mò, từ đó, cũng không thể thu hút sự chú ý của trẻ.


Môi trường, các tác nhân khác bên ngoài

Bên cạnh, còn có vô vàn các tác động khác gây ảnh hưởng lên sự tập trung của trẻ như tiếng xe cộ chạy ngoài đường, món đồ chơi yêu thích đang ở bên cạnh, vết nứt trên chiếc bút mực,… Đây đều là những tác động khó kiểm soát đối với các bậc phụ huynh.


Hội chứng ADHD

Ngoài ra, còn một nguyên nhân đặc biệt khác cũng không kém phần phổ biến, chính là hội chứng ADHD, hay còn gọi là Hội chứng rối loạn sự tập trung. Ở trẻ còn đi học, tỉ lệ mắc phải hội chứng này có thể lên đến từ 3 - 7%.


Nhìn chung, trong cuộc sống đời thường, rất khó để nhận ra trẻ mắc phải ADHD có gì khác biệt so với những đứa trẻ khác. Phải có sự quan sát thường xuyên thì các ba mẹ mới nhận ra trẻ có khả năng tập trung đặc biệt kém, thường bốc đồng và có xu hướng hiếu động quá mức.


5. Một số đề xuất giúp con quay về quỹ đạo của sự tập trung

Thông qua quá trình tìm hiểu và tổng hợp thông tin, team Mamoon đã tìm thấy một số gợi ý tham khảo giúp các bậc ba mẹ chọn lọc phương pháp phù hợp để cải thiện khả năng tập trung cho con trẻ như sau:


a. Kế hoạch ngắn hạn (1 - 3 tháng)


Tạo dựng mục tiêu cho từng tháng

Ở giai đoạn mới bắt đầu, việc đặt ra những mục tiêu giúp trẻ tập trung trong thời gian dài là điều khó khả thi. Chính vì vậy, các ba mẹ có thể đặt ra những giới hạn nho nhỏ, cụ thể về thời gian để trẻ hoàn toàn tập trung vào các nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần cân nhắc về độ tuổi và khả năng của con để có những mục tiêu phù hợp.


Đề xuất phù hợp đối với cha mẹ bận rộn

Ba mẹ có thể nhờ đến sự góp ý của các chuyên gia tâm lý hoặc các nhà trị liệu về trò chơi để giúp đề ra các kế hoạch cụ thể đồng thời hỗ trợ trong việc thực hiện.


Đề xuất đối với cha mẹ có thời gian

Ba mẹ nên dành thời gian để ngồi bên cạnh, hỗ trợ và động viên con trong quá trình hoàn thành một hoạt động nào đó.

Tạo không gian yên tĩnh và đảm bảo không xuất hiện các yếu tố gây sao nhãng cho con.

Đính kèm phần thưởng vào sau mỗi nhiệm vụ mà trẻ hoàn thành để tạo động lực và bước đầu kích thích trẻ tham gia vào hoạt động tập trung.



b. Kế hoạch dài hạn và bền vững


Thấu hiểu tình trạng tập trung của con

Ba mẹ nên dành thời gian để quan sát và đánh giá khả năng tập trung, cũng như nắm rõ những nguyên nhân cụ thể thường xuyên khiến con kém chú ý.


Mặt khác, ba mẹ cũng cần tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, bác sĩ để biết rõ tình trạng của con. Một số trường hợp đặc biệt, như hội chứng ADHD cần có kế hoạch điều trị và dùng thuốc theo chỉ dẫn của chuyên gia.


Xác định mục tiêu dài hạn:

Ba mẹ cần đặt ra mục tiêu cụ thể để nhắm đến việc cải thiện sự tập trung của trẻ trong 6 - 12 tháng tới. Ví dụ: "Trong vòng 12 tháng tiếp theo, con sẽ có thể hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên lớp." hay “Con sẽ đạt được thói quen tập trung trong bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút mỗi ngày.”


Thiết lập kế hoạch tập trung hợp lý

Đảm bảo rằng trẻ có môi trường tốt, có lịch trình hợp lý và tài liệu học tập phù hợp. Khuyến khích các hoạt động tăng cường sự tập trung: Hãy tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các hoạt động như thiền định, yoga cho trẻ, hoặc các trò chơi logic, giải đố, vẽ tranh, tô màu để tăng cường khả năng tập trung.


Đánh giá định kỳ

Theo dõi sự tiến bộ của trẻ và điều chỉnh kế hoạch nếu cần.


Tạo thói quen tốt

Cuối cùng, các bậc cha mẹ nên tạo cho con có thói quen tập trung mỗi ngày trong từng hoạt động. Khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ không cần quá nhiều nỗ lực mà vẫn có thể đạt được sự chú ý một cách nhanh chóng.


Khả năng tập trung là “đòn bẩy” quan trọng trong việc hỗ trợ con phát triển tất cả các khía cạnh về trí tuệ. Hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích và giúp các ông bố bà mẹ của chúng ta nhìn lại được khả năng tập trung của con, từ đó có những phương pháp phù hợp hơn trong hành trình giáo dục con trẻ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Commenti


bottom of page