top of page
Writer's pictureDzung Duong

MÙA LEN TRÂU

Updated: Dec 7, 2023

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày giữ nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”


Những câu thơ vang lên, mang theo âm vần, điệu chữ mượt mà, như một giấc mơ mờ ảo, gợi cho những đứa trẻ hình dung về một con vật to lớn, màu đen thẫm, với đôi sừng nhọn hoắt, như đã từng xuất hiện trong những trang sách mà chúng vẫn thường được xem.


Tuy nhiên, đối với những người lớn, đặc biệt là những người đã trưởng thành ở miền Tây sông nước, âm thanh "ngọ nghọe" kèm theo tiếng lội lõm bõm của đàn trâu, cùng hương bùn đất từ những đầm lầy, sẽ ngay lập tức khơi dậy những kỷ niệm về quê hương. Và hơn thế nữa, không ai có thể quên được những mùa len trâu đã tạo nên "đặc sản" của vùng đất "chín rồng".



“Len trâu” là gì thế nhỉ?

Từ “len” trong tiếng Khmer có nghĩa là “tự do”. “Len trâu” được hiểu là công cuộc dẫn dắt đàn trâu đi lang thang một cách tự do đến những miền đất khác nhau của những người nông dân Việt Nam. Đối với một số người, đây còn được xem như một nghề kiếm sống.


Mùa len trâu từ đâu mà ra?

Chẳng ai biết mùa len trâu xuất hiện từ khi nào. Chỉ nhớ rằng cứ mỗi khi mùa nước nổi về giăng kín khắp cả xóm làng, ký ức về những đàn trâu lặn ngụp cùng với người dân tìm đến những vùng đất cao ráo, nhiều cỏ xanh để trú ngụ vẫn còn hiện diện trong trí nhớ của nhiều người miền Tây.


Từ những vùng đất trũng như Đồng Tháp Mười mênh mông cho đến Tân Châu, Châu Đốc, Thoại Sơn của An Giang, Hà Tiên của Kiên Giang rồi đến cả tận cùng đất mũi Cà Mau.


Tuy nhiên, kể từ sau khi đất nước bắt đầu giai đoạn công nghiệp hóa, máy móc hiện đại dần ra đời thay thế, người ta không còn nuôi nhiều trâu nữa. Mặt khác, ở những năm trở lại đây, nhà cửa, đường sá ở miền Tây đã được làm cao lên, những đợt lũ chẳng còn ảnh hưởng nặng nề như trước. Do vậy, hình ảnh mùa len trâu cũng dần nhạt nhòa đi trong đời sống của người dân.


Người ta nhớ những gì về mùa len trâu?

Những cơn nước nổi

Nói đến mùa len trâu là nói đến mùa nước nổi - thứ đã làm nên đặc điểm quen thuộc của miền Tây Nam Bộ. Cứ đến độ gần Tết, hay vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, con nước lớn tận trên thượng nguồn sông Mê Kông lại chạy dọc về miền Tây và nằm yên ở nhiều vùng hẳn 3, 4 tháng. Khắp nơi trải rộng một màu trắng xóa mênh mông.


Đồng Bằng Sông Cửu Long vốn là miền đất có mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Tuy nguồn nước đổ về mang đến nhiều luồng cá tôm, song khi đến mùa nước dâng, công việc đồng ruộng và đời sống người dân cũng gặp nhiều trắc trở. Chỉ những năm trở lại đây, tình trạng lũ lụt ở miền Tây mới trở nên khá hơn.


Người ta bảo nhau rằng mùa nước nổi ở chốn này cũng là mùa hồi sinh. Khi cơn nước lớn ghé ngang qua, cây cỏ, vật nuôi khó sống nổi, đồ đạc trong nhà có khi bị cuốn trôi đi, thiệt hại cả về của lẫn người. Nhưng tôm cá lại tìm đến đầy ắp. Khi nước rút xuống, phù sa được bồi tụ thêm, cây cối xanh tốt hơn.


Đàn trâu

Trâu ở miền Tây là giống trâu nước. Trước đây, con trâu được xem như “trụ cột” trong nhà, gánh vác hầu hết những công việc nặng nhọc gian lao như cày bừa, kéo lúa, vận chuyển.


Dân gian có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người và trâu có mối quan hệ vừa gắn bó vừa cộng tác, người sống nhờ vào trâu mùa khô, trâu lại cậy vào người mùa lũ.


Trâu còn được xem như biểu tượng của những đức tính tốt đẹp như hiền lành, cần mẫn, chịu thương chịu khó và tình cảm. Dẫu vất vả, nắng mưa, trâu vẫn luôn chăm chỉ đồng hành cùng người nông dân. Trâu nuôi được độ 9, 10 năm còn có thể tự biết đường quay về nhà sau một ngày cặm cụi ngoài đồng.


Những cánh đồng cỏ

Trâu chỉ ăn rơm rạ, cỏ năng là không đủ, cơ thể rất nhanh yếu. Thế nên người len trâu phải đặc biệt tìm đến các đồng có nhiều cỏ chỉ, cỏ ống để trâu được no dạ, bền sức. Đặc biệt, người nông dân còn phải đảm bảo đó là những đồng cỏ chưa bị xịt thuốc.


Để tìm được những đám tốt như thế, họ phải dắt trâu vượt qua những vùng đất ngập nước, đến tận Tân Hưng của tỉnh Long An, hay len lỏi dọc theo biên giới Tây Nam, đến tận những cánh đồng Campuchia để cầm cự.


Những người len trâu

Ở thời điểm ấy, khắp vùng nhà nhà đều có trâu. Có người tự len trâu nhà mình, cũng có người được thuê đi. Mọi người từ khắp nơi tụ lại cùng một chỗ, đi thành đoàn để tương trợ lẫn nhau. Đêm đến, họ lại xúm xít cùng ăn uống, hát hò cho vơi đi cái cơ cực. Có những mối kết duyên vợ chồng cũng nên từ cái nghiệp len trâu ấy mà ra.


Con người trong mùa len trâu hiện lên trong dáng vẻ mộc mạc, phóng khoáng. Họ ăn mặc giản dị, dựng tạm những mái lều đơn sơ và tự đi bắt cá, mò cua để sinh nhai. Thế nhưng, với trâu thì phải kỹ lưỡng. Trâu được dựng trại, ngủ trong màn để tránh muỗi, được cho nằm nước để khỏe người.


Mùa len trâu là mùa đại diện cho sự khéo léo và hòa hợp với thiên nhiên của người dân Tây Nam Bộ. Họ mạnh mẽ đối diện trước những thách thức của thiên tai và biến chúng trở thành lợi thế của mình. Trong gian khó, họ tìm thấy những niềm vui dung dị đến từ con người, con trâu và cả đất trời.

Ngẫm nghĩ về mùa len trâu

Len trâu đã trở thành một cái nghề mới trong xã hội, phát sinh từ trong chính hoàn cảnh khó khăn. Một người hoặc một nhóm người có thể nhận len trâu cho nhiều hộ gia đình trong cả một vùng để kiếm thêm thu nhập. Qua đó có thể thấy khả năng làm chủ và ý chí của người nông dân trước những thách thức của tạo hóa, thiên nhiên.


Đến nay, dù đã không còn xuất hiện nhiều nữa, nhưng mùa len trâu vẫn là một mảng ký ức sâu sắc trong trí nhớ của nhiều người. Đây còn được xem là dấu ấn một thời của vùng đất miền Tây Nam Bộ khi xưa.


Song song đó, đây còn được xem là thời điểm mà người nông dân dành để “trả ơn” cho những con trâu của họ sau một năm ròng làm việc cực nhọc. Cái tình giữa người với trâu cứ trở nên khăng khít dần thêm qua những chuyến đi dài tránh lũ.


Mùa len trâu qua tranh tô màu của Mamoon

Để tạo điều kiện cho các bé có được sự hình dung chân thật về bối cảnh mùa len trâu ở miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhà Mamoon đã phác họa nên những chi tiết đặc trưng trong bức tranh vẽ Mùa Len Trâu.


Khung cảnh mùa len trâu hiện lên với ruộng nước ngập mênh mông, xa xa thấp thoáng bóng những cây dừa, cây thốt nốt. Người và trâu cùng lặn lội trong nước, xung quanh là cảnh vật thiên nhiên giản dị, gần gũi của vùng đất miền Tây. Trong vất vả, công việc lao động vẫn hiện lên ngập tràn sức sống, nhộn nhịp và tươi vui.


Các bé có thể cùng với gia đình khơi gợi lại không khí văn hóa ấy qua bức tranh Mùa Len Trâu và những thước màu của Mamoon chúng mình nhé.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

4. Một số video phóng sự về mùa len trâu

5. Bộ phim “Mùa len trâu” (2004) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh


NGUỒN ẢNH


Recent Posts

See All

Comments


bottom of page