top of page
Writer's pictureKieu Duyen Le

ĂN TẾT GIÁP THÌN, NHẮC CHUYỆN "HÒA NHẬP KHÔNG HÒA TAN"

Tết vẫn luôn là một lễ hội văn hóa in sâu trong tâm thức của con người Việt Nam. Có lẽ vì sự quen thuộc đó mà ít ai nhận ra rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những yếu tố "lạ" đã từ từ len lỏi vào những nét văn hóa truyền thống của ngày Tết.


Trong những năm gần đây, đề tài này vẫn thường xuyên được nói đến. Và mặc dù nghe có vẻ “đao to búa lớn” nhưng lại là những điều rất gần gũi ở xung quanh ta. Nhân dịp xuân về, hãy cùng Mamoon bàn luận thông qua bài viết sau đây nhé.



1. Bản sắc văn hóa là gì?


Dựa theo PGS. TS. Hà Nam Khánh Giao - ThS. Huỳnh Diệp Trâm Anh, ”Bản sắc văn hóa của một dân tộc là những giá trị vật chất và tinh thần đặc trưng trường tồn cùng dân tộc đó. Nó được chắt lọc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người. Đó là những giá trị vật chất, tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của dân tộc.”


Việt Nam của chúng ta, với hơn 4000 năm lịch sử đã tích lũy một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh khác nhau.


Tết Nguyên Đán là một trong những lễ hội văn hóa quan trọng nhất hằng năm, hội tụ biết bao là giá trị truyền thống nhân văn. Trong đó, từ nghi thức cúng bái, hoạt động vui chơi, ẩm thực hay âm nhạc đều mang trong mình những biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc.


2. Giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra thế nào?


Trong tài liệu Đề cương những bài giảng giao lưu, tiếp biến văn hoá trong lịch sử Việt Nam [1], thuật ngữ “giao lưu - tiếp biến văn hoá” (Acculturation) được tiếp cận từ các nhà nhân chủng học (Hoa Kỳ), với nghĩa để chỉ hiện tượng xảy ra khi có những nhóm người có văn hoá khác nhau, gặp nhau (tiếp xúc trực tiếp và lâu dài), gây ra sự biến đổi về mô thức văn hoá so với ban đầu của một hay cả hai chủ thể.


Hiện nay, tiếp biến văn hoá là quá trình một cá nhân khi tiếp xúc trực tiếp và liên tục với một cộng đồng hay một cá nhân khác (có hoặc không có ý thức) hấp thụ nhiều hay ít nền văn hóa của cộng đồng hay các cá nhân này.”


Nếu để ý một chút, vào ngày Tết, ta sẽ thấy những chiếc bánh “tây” nằm lẫn cùng với những món bánh kẹo truyền thống trên khay, trà và rượu được thay bằng bia, nước ngọt. Trên đường, giai điệu của bài hát Happy New Year vang lên khắp nơi, hòa vào những liên khúc nhạc xuân Việt. Nếu lúc xưa, ai nấy đều cho rằng tết dương lịch là của người tây, thì nay, cũng vào ngày ấy, bao người háo hức xuống đường để đi lễ hội Countdown.


Đây là những dấu hiệu rõ ràng để chúng ta nhìn thấy sự ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong ngày Tết. Trong đó có cả những yếu tố tích cực lẫn hạn chế mà ta có lẽ cần để ý và suy xét lại.


3. Tại sao ta hội nhập văn hóa?



Chúng ta đang sống trong thời đại mà thế giới đang ngày càng phẳng hơn, việc giao lưu hay hội nhập văn hóa có thể mang đến nhiều giá trị tích cực.

Lợi ích rõ ràng nhất mà ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là hội nhập góp phần đáng kể trong việc làm gia tăng tính đa dạng cho mỗi nền văn hóa. Ở mỗi nơi đều rất khéo léo kết hợp những nét đẹp của các nền văn hóa khác vào kho tàng vốn có của mình nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị cốt lõi, không làm đánh mất bản sắc.


Những cơ hội này đã thúc đẩy mọi người ở nhiều cộng đồng văn hóa trở nên kết nối, cởi mở trao đổi và tôn trọng những bản sắc riêng. Mọi người có thể trải nghiệm sự phong phú của những nền văn hóa khác nhau, khiến cho quá trình chia sẻ tri thức không còn rào cản hay giới hạn.


Bên cạnh đó, hội nhập văn hóa còn tạo nên một môi trường cho phép mọi người làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn nhờ vào sự kết hợp giữa những kinh nghiệm và góc nhìn phong phú.


4. Tại sao cần lưu giữ bản sắc văn hóa?


Quá trình hội nhập văn hóa có thể mang về rất nhiều cơ hội, nhưng cũng tồn tại không ít những thách thức, mà nếu không khéo léo linh hoạt, chúng ta sẽ có “nguy cơ bị đồng hóa về mặt chính trị, mất độc lập, chủ quyền, nguy cơ bị đồng hóa, mất bản sắc, bị hòa tan văn hóa”.


Lưu giữ bản sắc văn hóa là điều kiện để ta có thể xác định danh tính cá nhân và tập thể. Chỉ khi chúng ta giữ gìn được những bản sắc riêng, thì khi đó việc hội nhập mới mang lại ý nghĩa là góp phần sự đa dạng vào nền văn hóa chung cho cả thế giới.


Đặc biệt, bản sắc văn hóa còn là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên vô giá của nước ta, bao gồm cả những yếu tố sáng tạo như nghệ thuật, văn học, âm nhạc,… cũng chính là những điều kiện góp phần thúc đẩy cho sự phát triển và tiến bộ.


5. Làm sao chơi Tết “hòa nhập nhưng không hòa tan”?


Để làm được điều này, có lẽ trước hết chúng ta cần phải quay về những giá trị cốt lõi của ngày Tết, những giá trị được nêu cao hàng đầu mà cho dù chúng ta có thay đổi cách thức hoạt động như thế nào đi chăng nữa thì Tết vẫn luôn hướng về những điều đó.


Tết là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam đối với ông bà, tổ tiên, những người đi trước và có công với dân tộc. Bên cạnh đó, Tết còn là cơ hội để mọi người nhìn lại một năm cũ và hướng về một năm mới với nhiều mong đợi, hy vọng. Người thân, bạn bè có dịp gặp gỡ và kết nối lại với nhau sau một năm bộn bề công việc.



Ngoài ra, Tết là một dịp lễ hội lớn bao gồm rất nhiều giá trị nhân văn và truyền thống văn hóa khác, vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng không phải ai sinh ra trong một thời đại khi mà các giá trị văn hóa đan xen lẫn nhau như hiện nay có thể dễ dàng phân biệt. Chính vì vậy, ta vẫn luôn cần phải học tập và không ngừng trau dồi kiến thức về văn hóa dân tộc.


Trong quá trình học hỏi ấy, chúng ta cần không ngừng chắt lọc những giá trị tốt đẹp và phù hợp để kết hợp với những giá trị gốc. Song song đó, ta cũng cần phải phát triển và đưa những hình ảnh văn hóa của chúng ta vươn ra thế giới. Chỉ khi như vậy thì quá trình hội nhập văn hóa mới thực sự ý nghĩa và mang đến những ảnh hưởng tích cực.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


3. Bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam thời kỳ hội nhập, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao - Ths. Huỳnh Diệp Trâm Anh


Recent Posts

See All

CHỢ TẾT

Comments


bottom of page