Nội Dung
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ tại Tân Châu, có một người phụ nữ góa nghèo phải nuôi con một mình. Bà làm nghề nhuộm vải để kiếm sống. Con gái bà, cô bé Thơm, rất ngoan và yêu thích việc vẽ vời. Cô bé thường vẽ những hình vẽ đẹp trên quần áo rồi nhờ mẹ nhuộm màu lên cho. Bà luôn yêu thương và giúp đỡ con gái hoàn thành sở thích của mình. Nhờ vậy, những bộ quần áo của Thơm luôn rất đặc biệt và được bạn bè trầm trồ, ngưỡng mộ.
Mỗi năm đến gần Tết, mẹ Thơm sẽ dùng tiền dành dụm để mua một số lượng lớn quả mặc nưa về nhuộm vải rồi mang ra bán ở chợ xuân. Vào một năm nọ, có một nhóm trộm thường xuyên hoành hành ở trong làng, nhưng vẫn chưa bị ai bắt được. Khắp nơi mọi người đều lo lắng và truyền tai nhau phải trông coi cửa nẻo thật cẩn thận. Thơm tuy còn bé, nhưng rất hiểu chuyện, thấy mẹ thường ngồi nhuộm vải đến tận khuya, hôm nào cô bé cũng nhắc mẹ nghỉ ngơi sớm và nhớ khóa kỹ cửa nhà khi xong việc. Lần nào bà mẹ cũng cảm ơn con rồi thơm lên má cô bé.
Một đêm, trong lúc làm việc, bà mệt mỏi quá và vô tình ngủ thiếp đi bên cạnh những cuộn vải mà quên mất việc khóa cửa. Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, bà đã hoảng hốt khi nhận ra rằng những cuộn vải và số quả mặc nưa đã biến mất. Mẹ của Thơm hoảng sợ và bắt đầu tìm kiếm khắp nơi, hỏi han những bác hàng xóm nhưng không có bất kỳ dấu vết nào. Mọi người chỉ biết lắc đầu chia buồn rằng nhà của bà chắc chắn đã bị trộm lẻn vào.
Mẹ Thơm trở nên rầu rĩ và lo lắng suốt nhiều ngày liền. Bà ăn không ngon, ngủ không yên. Thấy mẹ buồn bã như thế, em rất thương, cứ lặng lẽ ra sau vườn nhà ngồi khóc thút thít suốt mấy ngày. Một hôm, trong lúc đang khóc, bà tiên bỗng hiện lên và hỏi:
“Này cô bé, sao con lại ngồi đây khóc?”
Thơm quệt ngang nước mắt, cố kìm tiếng nấc và kể rõ ngọn ngành.
Bà tiên bảo:
“Thấy con có lòng như vậy, ta sẽ cho con mượn bảo vật thần kỳ này của ta nhé.”
Bà tiên nói rồi hô biến ra một chiếc lọ cẩm thạch, nhỏ bằng lòng bàn tay.
“Đây là lọ màu thần kỳ. Khi con vẽ một hình ảnh gì đó lên vải và dùng lọ màu này để nhuộm lên, vải sẽ có mùi hương của thứ mà con đã vẽ. Nhưng nhớ rằng, nếu đặt lọ màu này ra ngoài ánh mặt trời vào giờ Ngọ thì nó sẽ bốc hơi và biến mất đấy nhé. Giờ thì con hãy dùng nó để đi giúp mẹ của con đi.”
Thơm tròn mắt nhìn bà đầy ngạc nhiên, những giọt nước mắt đã khô đi từ khi nào. Em đón lấy lọ màu từ tay bà, rối rít cảm ơn. Bà tiên cười hiền hậu rồi dần dần biến mất.
Cô bé vội vã chạy vào nhà báo tin cho mẹ hay. Bà mừng rỡ và xúc động ôm chầm lấy con gái. Cả hai mẹ con đều quay về làm việc. Thơm thì vẽ lên hình ảnh nào hoa lá, bánh kẹo, củ quả,… mẹ của Thơm thì cặm cụi nhuộm màu. Lọ màu của bà tiên bé tí tẹo thôi nhưng tưởng như không bao giờ hết. Hai mẹ con nhuộm lên đến đâu, vải tỏa mùi hương đến đấy. Cả hai luôn cất giữ lọ màu rất cẩn thận theo lời bà tiên dặn. Mẹ Thơm đã tranh thủ nghỉ ngơi để không bao giờ phải ngủ quên nữa.
Năm đó, ở chợ Tết, loại vải đặc biệt của mẹ con nhà Thơm được rất đông người ưa thích và vây quanh mua. Họ còn đặt mẹ Thơm nhuộm thêm vải mang những loại hương đặc biệt và kì lạ như mùi hương của dòng sông, hương thơm của mái tóc, mùi gỗ mới sơn,… rồi may thành những bộ quần áo thật xinh đẹp để đi chơi xuân. Cả làng đầy sức sống trong những bộ quần áo sặc sỡ và những mùi hương hòa lẫn thú vị.
Tuy chuyện buôn bán trở nên vô cùng thuận lợi nhưng mẹ con Thơm không hề tham lam. Vào ngày cuối cùng của năm, sau khi bán hết đám vải, hai mẹ con đã mang lọ màu thần kỳ ra dưới ánh nắng mặt trời vào giờ Ngọ. Lọ màu sáng lên lấp lánh rồi từ từ biến mất.
Mẹ con Thơm thầm cảm ơn bà tiên, hai người mỉm cười nhìn nhau rồi vui vẻ trở về nhà. Năm ấy cả hai mẹ con đã có một cái Tết thật sung túc và đầy đủ. Số tiền thu hoạch được còn dư lại, hai mẹ con dành dụm làm vốn và vẫn tiếp tục chăm chỉ với công việc của mình.
Ý nghĩa của câu truyện
Truyện kể về người mẹ làm nghề nhuộm vải ở Tân Châu sống cùng với đứa con gái của bà. Một ngày nọ, ngôi nhà của hai người xảy ra một vụ mất cắp. Trong tình thế khó khăn, cả hai vẫn nương tựa vào nhau và cùng cố gắng. Hãy cùng xem hai người đã vượt qua như thế nào nhé.